Làm sao để tránh bị ong chích?
Cách tốt nhất để tránh bị ong chích là giữ cho tay và mặt sạch sẽ khi bạn ở bên ngoài và cảnh giác nếu có bất kỳ con ong hay ong bắp cày nào gần đó. Trong trường hợp chúng đang ở gần, bạn không nên xua đuổi hay gây hấn, vì chúng sẽ tấn công bạn để tự vệ.
Cho dù vậy thì hành vi này gây nguy hiểm cho chính chú ong đó hơn là cho bạn. Khi ong mật đốt, ngòi ong bị mắc lại trong da người. Khi con ong cố gắng kéo ra, ngòi ong bị giữ lại sẽ làm phần thân sau của ong bị tách ra và con ong đó sẽ chết. Tuy nhiên, có những con ong bắp cày và ong vò vẽ chích mà không bị mắc kẹt ngòi ong trong da người.
Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao ong mật sau khi đốt thì chết đi còn ong bắp cày thì không?
Chờ đã, ong mật là gì còn ong bắp cày lại là gì nữa? Dưới đây là hình ảnh minh họa
Đây là một chú ong mật. | Đây là một chú ong bắp cày. |
Cả hai loài này đều có cùng kích thước, nhưng ong bắp cày có thân hình hơi mảnh và màu sắc nổi bật hơn, điển hình là màu vàng và đen. Những con ong thường có thân hình tròn hơn ong bắp cày và có nhiều lông hơn, nhờ vậy chúng có khả năng thụ phấn tốt hơn so với các loài côn trùng thụ phấn khác. Dưới đây là một vài thông tin về ong bắp cày:
Ong bắp cày cũng thụ phấn hoa nhưng kém hiệu quả hơn ong. Nếu bạn từng thắc mắc về lý do tồn tại của ong bắp cày trên thế giới này, đặc biệt là khi bạn đang thưởng thức bữa trưa của mình ngoài trời trong một ngày hè ấm áp, thì hãy để tôi nói cho bạn biết tại sao ong bắp cày tồn tại: hiểu một cách đơn giản, chúng có vai trò quan trọng trong việc dọn dẹp. Nếu không có ong bắp cày, hệ sinh thái sẽ đầy rác , bao gồm xác chết các loài côn trùng và những gì thải ra từ tự nhiên.
Quay trở lại với ngòi ong, ong bắp cày có một lợi thế đặc biệt so với các loài ong khác: Khi chích, chúng có thể rút ngòi ra và bay đi. Nhưng ong thì khác, chúng sẽ chết khi chích động vật có vú. Tại sao?
Hãy so sánh hình ảnh ngòi của ong bắp cày và ong thường:
Chúng ta có thể thấy rằng ngòi ong có răng cưa. Những lưỡi răng cưa này giống như một cây lao, với mục đích đâm được càng sâu càng tốt. Các múi cơ kết nối ngòi với túi nọc độc, từ đó một chất độc phá hủy tế bào được bơm vào lỗ của ngòi ong.
Rõ ràng là ngòi ong được tạo ra để bị mắc dính lại trong cơ thể kẻ thù, trong khi ngòi ong bắp cày có thể rút ra dễ dàng và quan trọng hơn là có thể tiếp tục đâm chích kẻ khác. Thật vậy, một con ong bắp cày có thể chích nhiều lần mà không chết, và chỉ dùng mỗi lần một lượng nhỏ nọc độc, trong khi những con ong khác sẽ chỉ chích một lần duy nhất và dùng hết lượng nọc độc đang có.
Tuy nhiên, những con ong chỉ chết khi chích động vật có vú hoặc những con chim. Khi chích các loài côn trùng khác, chúng có thể dễ dàng rút ngòi ra.
Nhưng tại sao ong phải chết sau khi chích?
Khi một con ong chích một động vật có vú, nó đâm ngòi sâu vào da để tiêm nọc độc và bị mắc kẹt. Nó buộc phải dứt ngòi ra khỏi cơ thể, cùng với một phần của đường tiêu hóa, múi cơ và dây thần kinh. Vết thương lớn ở bụng này sẽ làm ong chết vài phút sau đó.
Trong khi đó, ngòi ong nếu không được lấy ra, có thể tiếp tục làm nhiệm vụ tiêm hết nọc độc. Các tế bào thần kinh cùng với các múi cơ của ngòi ong. Các gai trên ngòi di chuyển tới lui để đâm sâu hơn vào da. Và chất độc từ túi nọc độc được tiếp tục bơm vào chỗ vết thương, có thể kéo dài đến 10 phút sau khi ong chết.
Tại sao loài ong không tạo ra cái ngòi có thể rút ra được?
Lý do cho hành vi tự sát này là gì
Điều ngạc nhiên là từ quan điểm tiến hóa thì việc một con ong chết sau khi chích là hợp lý. Những con ong thợ giúp bảo vệ tổ và không có nhiệm vụ sinh sản, nên để đảm bảo duy trì nòi giống đây là cách duy nhất chúng có thể giúp bảo vệ cho tổ ong và những con ong có khả năng sinh sản.
Khoan đã, vậy là ong thợ không thể sinh sản được?
Đúng vậy. Ong thợ là những người lính cảm tử của bầy ong. Chúng thu thập phấn hoa, mật hoa, và bảo vệ tổ ong. Tất cả ong thợ đều là những con cái vô sinh. Chỉ có ong chúa đẻ trứng và ong đực thụ tinh. Loài ong sinh sôi nảy nở qua quá trình được gọi là tách đàn: một nửa bầy ong sẽ rời khỏi bầy và đi nơi khác xây tổ mới.
Nếu bạn thấy hứng thú với hành trình tách bầy, bạn có thể tìm hiểu thêm tại ĐÂY.
Quay lại chủ đề chính, khi ong thợ chịu trách nhiệm bảo vệ tổ, chúng là những con duy nhất trong bầy có khả năng tấn công (chích), không như ong đực. Ong chúa chỉ tấn công để tạo uy thế với những con ong chúa khác.
Theo một cách diễn giải khác, sự hy sinh của những con ong thợ là cần thiết để chống trả những kẻ trộm ấu trùng và mật ong, đảm bảo sự sinh tồn của cả bầy.
Nhưng tại sao chúng phải chấp nhận mất đi ngòi còn loài ong bắp cày thì không bị như vậy?
Các nhà sinh học tin rằng ong bắp cày không cần đến cách thức tấn công này để tự vệ, bởi vì tổ của chúng không có mật ong, và cũng khó tiếp cận hơn nên hiếm khi bị tấn công.
Có hai thuyết tiến hóa liên quan đến điều thú vị này.
Thuyết đầu tiên cho rằng ngòi ong đã phát triển từ sớm trong quá trình tiến hóa, ngay cả trước khi các loài động vật có vú xuất hiện.
Thuyết thứ hai thì cho rằng cả ong và động vật có vú đã phát triển cùng thời điểm. Việc mất đi ngòi ong khi tấn công một loài động vật có vú là nhằm để chiếm ưu thế hơn vì như vậy chúng sẽ tiêm được nhiều chất độc vào cơ thể đối thủ hơn. Cùng lúc đó, nó sẽ phát ra tín hiệu tấn công cho những con ong ở gần đó.
Tóm lại, ong là một loài vật tuyệt diệu và rất cần thiết cho hệ sinh thái. Chúng tạo ra mật ong, phấn hoa, keo ong và sáp ong làm phong phú cho cuộc sống của chính chúng ta. Còn ong bắp cày thì hỗ trợ thụ phấn và loài bỏ các loài côn trùng khác.