Giao hàng miễn phí cho đơn hàng từ 500.000 vnđ trở lên
Bạn có biết vai trò của ong chúa, ong thợ và ong đực trong đàn ong mật?
Tác giảDương Tuấn

Có thể bạn dùng mật ong mỗi ngày. Có thể bạn cũng hiểu được cách mà mật ong được tạo ra. Nhưng bạn có biết, trong tổ ong mật, ong được phân thành nhiều cấp khác nhau. Mỗi loại ong lại có những nhiệm vụ riêng chứ không phải con ong nào cũng làm nhiệm vụ hút mật. Cùng Mật Ong Tam Đảo khám phá cách mà đàn ong tổ chức xã hội của chúng và nhiệm vụ của từng loại ong nhé.

Thông thường trong một đàn ong sẽ có ba loại ong là ong chúa, ong thợ và ong đực.

Nhiệm vụ của ong chúa trong đàn ong mật


Một đàn ong mật sẽ chỉ có 1 con ong chúa. Nếu trong tổ ong có 2 chúa trở lên thì đàn ong đó sớm muộn cũng sẽ tách đàn. Hoặc một trong 2 con ong chúa được sinh ra để thay thế cho ong chúa đã già yếu.

Ong chúa và ong thợ đều được sinh ra từ trứng đã thụ tinh. Tuy nhiên, ong chúa được chăm sóc trong mũ chúa ngay từ bé và được cho ăn hoàn toàn bằng sữa ong chúa. Còn ấu trùng ong thợ được nuôi trong các tổ thường và chỉ được cho ăn sữa ong chúa trong 3 ngày đầu tiên rồi được nuôi bằng mật ong và phấn hoa cho tới khi trưởng thành.

Ong chúa là một con ong cái phát triển hoàn chỉnh. Ong chúa có nhiệm vụ đẻ trứng để tăng quân đồng thời đảm bảo sự tồn tại của đàn ong. Đồng thời, con ong chúa còn có nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội của đàn ong nhờ vào “chất chúa” mà nó tiết ra.


Ong chúa là mẹ của cả đàn ong


Ong chúa có tuổi thọ cao hơn ong thợ rất nhiều
Vì là mẹ của cả đàn nên ong chúa được ong thợ chăm sóc rất kỹ. Chúng được ăn những thức ăn bổ dưỡng nhất. Tuổi thọ của ong chúa khá dài, trung bình là 3 năm. Có ong chúa có thể sống tới 5-6 năm. Tuy nhiên, ong chúa chỉ sung sức trong 1-2 năm đầu thôi. Ong chúa càng già thì càng đẻ ra nhiều trứng không thụ tinh. Do vậy, khi “chất chúa” mà ong chúa tiết ra ít dần đi thì ong thợ sẽ xây mũ chúa để tạo chúa mới.

Ong thợ có vai trò không thể thiếu trong đàn ong
Ong thợ có số lượng đông đúc nhất trong đàn ong. Ong thợ chỉ được nuôi bằng sữa ong chúa trong 3 ngày đầu. Chính vì vậy, cơ thể ong thợ không thể phát triển hoàn chỉnh được. Ong thợ là những con ong cái không có khả năng sinh đẻ.

Ong thợ đảm nhận tất cả các công việc nặng nhọc nhất trong đàn ong như xây tổ, chăm sóc ấu trùng, ong non và ong chúa, tìm kiếm thức ăn, phòng chống kẻ thù…

Tuổi thọ của ong thợ ít hơn ong chúa rất nhiều và phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết. Thông thường, ong thợ chỉ được khoảng 50 – 60 ngày. Nếu thời tiết nắng nóng, ong thợ chỉ sống được 5 đến 6 tuần còn nếu thời tiết mát mẻ thì ong thợ có thể sống được 2 tháng.


Ong thợ kiếm thức ăn cho cả đàn ong


Ong đực thừa nhưng lại không thể thiếu
Với đa phần các loài động vật thì trứng không thụ tinh sẽ không nở ra con được. Nhưng với ong thì khác. Trứng ong không được thụ tinh sẽ nở ra ong đực.

Ong đực thường lớn, có khi chúng còn lớn hơn cả ong chúa. Chúng không biết tự tìm kiếm thức ăn mà do ong thợ nuôi. Tuổi thọ của ong đực thường được khoảng 3 tháng. Tuy nhiên nếu nguồn thức ăn khan hiếm, ong đực sẽ bị đẩy ra khỏi tổ. Ong đực chỉ được sinh ra nhiều trong mùa sinh sản hoặc chia đàn. Nhiệm vụ của ong đực là thụ tinh cho ong chúa.


Ong đực thừa nhưng không thể thiếu


Như vậy ta đã biết trong đàn ong mật thì ong chúa có quyền lực cao nhất. Tất cả các sản phẩm của đàn ong như mật ong, phấn hoa và sữa ong chúa đều do ong thợ làm ra. Ong đực không thể kiếm thức ăn và sẽ bị loại bỏ không thương tiếc nếu thiếu thức ăn. Cảm ơn bạn đã theo dõi chia sẻ của Mật Ong Tam Đảo.

4 / 5 (1Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận